Cản trở quyền thăm con sau khi ly hôn

Tác giả: Lê Tuấn Hải Đăng ngày: 09/10/2020 Lượt xem: 722 Danh mục: Luật sư hôn nhân

I. Cơ sở pháp lý

     II. Nội dung

  1. Quyền và nghĩa vụ của người không trực tiếp nuôi con sau ly hôn

Theo quy định tại Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì quyền và nghĩa vụ của người không trực tiếp nuôi con sau ly hôn được quy định như sau:

“Điều 82. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

  1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.
  2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
  3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.

Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.”

Như vậy, cha hoặc mẹ không trực tiếp nuôi con có quyền thăm nom con mà không bị ai cản trở. Việc ngăn cản quyền thăm nom con là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

  1. Quyền và nghĩa vụ của người trực tiếp nuôi con đối với người không trực tiếp nuôi con sau ly hôn

Theo quy định tại Điều 83 quyền và nghĩa vụ của người trực tiếp nuôi con đối với người không trực tiếp nuôi con sau ly hôn được quy định như sau:

“Điều 83. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ trực tiếp nuôi con đối với người không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

  1. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu người không trực tiếp nuôi con thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại Điều 82 của Luật này; yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình tôn trọng quyền được nuôi con của mình.
  2. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.”

Việc ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau cũng là một hành vi bạo lực gia đình theo quy định tại Điều 2 Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2007:

          “Điều 2. Các hành vi bạo lực gia đình

  1. Các hành vi bạo lực gia đình bao gồm:

     d) Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau;…”

 

 

Khi gặp hành vi nêu trên, người bị cản trở thực hiện quyền thăm con có thể thực hiện báo tin cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại khoản 1 Điều 18 Luật phòng, chống bạo lực gia đình:

“Điều 18. Phát hiện, báo tin về bạo lực gia đình

  1. Người phát hiện bạo lực gia đình phải kịp thời báo tin cho cơ quan công an nơi gần nhất hoặc Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư nơi xảy ra bạo lực, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 23 và khoản 4 Điều 29 của Luật này…”

Như vậy, khi bị một bên cản trở quyền thăm nom con sau khi ly hôn. Người không trực tiếp chăm sóc con có thể thực hiện như sau:

  • Yêu cầu người trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng con thực hiện đúng nghĩa vụ của họ, đảm bảo cho mình được thực hiện quyền thăm nom con theo bản án/quyết định của Tòa án.
  • Nhờ tổ trưởng dân phố, công an địa phương đảm bảo quyền được thăm nom con hoặc chứng kiến và xác nhận vào đơn về việc có đến thăm nom nhưng người kia gây khó khăn, cản trở.

Do quyết định giao con cho một người trực tiếp chăm sóc của Tòa án cũng thuộc phạm vi thi hành quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự của cơ quan thi hành án dân sự. Do đó bạn cũng có thể làm đơn yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự giải quyết việc bị ngăn cản quyền thăm nuôi con.

“Điều 2. Bản án, quyết định được thi hành

Những bản án, quyết định được thi hành theo Luật này bao gồm:

  1. Bản án, quyết định quy định tại Điều 1 của Luật này đã có hiệu lực pháp luật:

     a) Bản án, quyết định hoặc phần bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm;

     b) Bản án, quyết định của Tòa án cấp phúc thẩm;

     c) Quyết định giám đốc thẩm hoặc tái thẩm của Tòa án;…”

  • Làm đơn yêu cầu cơ quan thi hành án giải quyết cho thi hành vấn đề thăm nom, chăm sóc con chung theo bản án/quyết định của Tòa án.

Cơ quan Thi hành án có quyền yêu cầu người trực tiếp chăm sóc tạo mọi điều kiện cho người kia được thăm con, không gây khó khăn, ngăn cản quyền thăm nom con của người không trực tiếp nuôi con. Trường hợp không tự nguyện thi hành, có thể bị cưỡng chế thi hành theo quy định của Luật thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung 2014.

Nhưng nếu người trực tiếp chăm sóc con không thực hiện đúng những gì đã thỏa thuận thì bên không trực tiếp chăm sóc được quyền gửi đơn đến Tòa án xin thay đổi người trực tiếp nuôi con. Với những chứng cứ và quy trình đã làm, Tòa án có thể chấp nhận yêu cầu của người nộp đơn, quyết định cho thay đổi người nuôi con.

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi. Trong trường hợp cần tìm hiểu rõ hơn hoặc có thắc mắc về vấn đề liên quan phiền Quý khách hàng liên hệ để được giải đáp.

Trân trọng!