Chào mừng ngày tuyền thống Luật sư Việt Nam (10/10/1945 – 10/10/2020)

Tác giả: Lê Tuấn Hải Đăng ngày: 09/10/2020 Lượt xem: 415 Danh mục: Tin tức pháp luật

Ngày tuyền thống Luật sư Việt Nam (10/10/1945 – 10/10/2020)

Ngay sau khi cách mạng tháng tám năm 1945 thành công, cùng với việc nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời ngày 02/9/1945. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 46/SL ngày 10/10/1945, quy định về luật sư và tổ chức luật sư đầu tiên ở nước Việt Nam độc lập cho dù lúc đó Chủ tịch Hồ Chí Minh bận bộn bề với việc chống thù trong giặc ngoài. Điều đó đủ cho thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giành sự quan tâm cho luật sư và hoạt động luật sư như thế nào. Vậy, nguyên nhân gì mà Chủ tịch Hồ Chí Minh lại quan tâm đến luật sư như vậy? Lục tìm các nguồn tài liệu hiện nay, tác giả chưa thấy có công trình nào nghiên cứu một cách đầy đủ để lý giải nguyên nhân dẫn đến sự kiện lịch sử đó.

Nhìn lại hành trình đi tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta thấy rằng, thời gian ở Pháp, Nguyễn Tất Thành đã gặp nhà yêu nước Phan Văn Trường – một Tiến sỹ luật và là luật sư đầu tiên của Việt Nam tại Pháp, trong thời gian này, Nguyễn Tất Thành đã cùng nhà yêu nước Phan Chu Trinh ở nhà của luật sư Phan Văn Trường ở số 6 Village des Goblins và cùng tích cực nghiên cứu những luận thuyết của Mác, Ănghen và Lênin. Trong đó, luận cương của Lê-nin về các vấn đề thuộc địa đặc biệt được Nguyễn Tất Thành quan tâm.

Là một nhà yêu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp thu tư tưởng lớn được thể hiện trong tuyên ngôn của cách mạng Tư sản dân quyền Pháp là: “Tự do, bình đẳng, bác ái” do đó Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi tự do của con người là quyền cơ bản, con người sinh ra phải được bình đẳng, phải được quyền sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc và đó chính là quyền con người cơ bản hay còn gọi là nhân quyền, mà luật sư là một trong những nhân tố phản ánh và thể hiện xã hội dân chủ và đảm bảo quyền con người.

Việc ra đời sự kiện lịch sử đó, có một phần ảnh hưởng không nhỏ của việc Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được luật sư Lô Dơ Bai và người phó của ông là luật sư J.C. Jenkin bảo vệ, giúp đỡ thoát khỏi nhà tù của thực dân Anh và âm mưu bắt cóc của thực dân Pháp trong thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và hoạt động tại Hồng Kông với bí danh là Tống Văn Sơ. Qua việc tiếp xúc và nhận được sự giúp đỡ của luật sư Lô Dơ Bai Chủ tịch Hồ Chí Minh càng nhận thấy vai trò quan trọng của luật sư trong đời sống xã hội.

Ngoài Sắc lệnh số 46/SL ngày 10/10/1945 về tổ chức luật sư, Sắc lệnh số 163/SL ngày 23/3/1946 về tổ chức Tòa án binh cũng có quy định cho phép các bị cáo có quyền nhờ luật sư bào chữa. Tuy nhiên, trong một thời gian dài do hoàn cảnh chiến tranh mà vai trò của luật sư còn mờ nhạt trong đời sống xã hội. Nghề luật sư mới chỉ thực sự phát triển với sự ra đời Pháp lệnh luật sư 2001 và sau đó được thay thế bằng Luật luật sư 2006.

Trước đây, người hành nghề luật sư chủ yếu là công chức, thẩm phán, kiểm sát viên về hưu, nay với sự đam mê học hỏi cùng tình yêu nghề đã nhanh chóng giúp thế hệ luật sư trẻ nhanh chóng trưởng thành trong nghề

Những năm qua, đội ngũ luật sư không chỉ tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trong các vụ án hình sự, dân sự, kinh doanh thương mại mà còn tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp. Có hàng tram doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài, thậm trí cả các tổng công ty, tập đoàn nhà nước cũng cần sự trợ giúp pháp lý của luật sư ngày khẳng định vai trò và sự cần thiết của nghề trong cuộc sống.

 

 

Bên cạnh việc trợ giúp pháp lý, không ít các luật sư trong quá trình hành nghề đã gặp phải những nguy hiểm vất vả để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho thân chủ theo đúng quy định pháp luật.

Ngoài nhiệm vụ chính, các luật sư hiện nay rất tích cực trong các công tác đóng góp ý kiến cho các cấp, các ngành, cho nhà nước trong công tác xây dựng pháp luật, trong đó đặt biệt phải kể đến sự đóng góp vô cùng nhiệt huyết trong công tác lập pháp.

Nghề luật sư là một nghề khó nhưng rất lý thú bởi được tiếp xúc nhiều mặt khác nhau trong cuộc sống, được đi nhiều nơi tiếp xúc với nhiều người. Để trở thành một luật sư thực sự có bản lĩnh thì kiến thức pháp luật, kiên thức xã hội phải sâu rộng, phải am hiểu tường tận về văn hóa, xã hội, lịch sử, nhận thức không chỉ đơn thuần là gói gọn trong những văn bản quy phạm pháp luật. Hiểu luật, biết luật nhưng quan trọng phải biết truyền tải cho người khác nghe, hiểu và tâm phục, khẩu phục. Không chỉ có vậy, người luật sư phải có chức năng xã hội, “Luật sư cũng là một trí thức, ngoài những hoạt động nghề nghiệp thông thường, người trí thức phải phản ánh được tri thức của mình, thông qua việc đem tri thức ấy đóng góp cho xã hội. Đấu tranh quyết liệt và dũng cảm với các biểu hiện sai trái trong xã hội, giải quyết được những vướng mắc về bài toán pháp lý, những cái rào cản, những cơ sở lý luận còn thiếu trong tiến trình xây dựng nhà nước pháp quyền

Một điều không thể thiếu của người luật sư đó là kỹ năng biết lắng nghe người khác nói. Nghề luật sư cũng đòi hỏi thực tế và kinh nghiệm, phải đọc và biết suy luận. Phải nghe và quan sát người khác nói gì để từ đó đi sâu vào phản biện một cách thuyết phục từng vấn đề. Bởi vậy, nếu người luật sư không có bản lĩnh, không có kiến thức pháp luật sâu rộng thì rất khó tồn tại với với nghề.

Người luật sư hoạt động trong công tác pháp luật cần có những tư duy mang tính khai phóng. Thực tiễn có nhiều vấn đề pháp lý mới nảy sinh cũng như những hiện tượng xã hội, nhưng khoa học pháp lý chưa có lời giải thì nhiệm vụ của người luật sư phải khai mở ra những điều đó.

Người luật sư có nhiệm vụ đồng hành với người dân trong việc bảo vệ lẽ phải, bảo vệ công lý, do đó mọi thứ phải minh bạch và công bằng. Khi nhìn thấy những điều sai trái trong xã hội, bản thân người luật sư không thể ngoảnh mặt làm ngơ và sẵn sàng đối mặt với những hiểm nguy trong quá trình hành nghề.
Ghi nhận về truyền thống, sự nỗ lực và những đóng góp của luật sư trong sự nghiệp đấu tranh, xây dựng và bảo vệ đất nước, ngày 14/01/2013 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 149/QĐ-TTg lấy ngày 10/10 hằng năm là Ngày truyền thống của Luật sư Việt Nam. Kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống Luật sư Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba.

Trải qua 75 năm hình thành, hoạt động với sứ mệnh bảo vệ công lý, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ngày nay đội ngũ luật sư Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, cung cấp các dịch vụ pháp lý cho cộng đồng xã hội ngày càng chất lượng, trở thành một trong những yếu tố không thể thiếu được của việc phát triển kinh tế tri thức và xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.