Giữ nguyên đề nghị truy tố cựu Giám đốc Vetranco gây thiệt hại 182 tỷ đồng

Tác giả: Truong NQ Đăng ngày: 12/08/2021 Lượt xem: 533 Danh mục: Tin tức pháp luật

Kết luận điều tra bổ sung vụ sai phạm xảy ra tại VEAM cho rằng, cựu Giám đốc Vetranco đã vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí với động cơ vụ lợi.

Theo kết luận điều tra, từ năm 2007- 2013, Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) đã 6 lần bảo lãnh cho Công ty CP thương mại vận tải VEAM (Vetranco) vay tiền tại các ngân hàng.

VEAM cho Vetranco vay tiền nhiều lần trái quy định để ký các hợp đồng kinh doanh mua bán hàng hóa.

Giữ nguyên đề nghị truy tố cựu Giám đốc Vetranco gây thiệt hại 182 tỷ đồng
Bị can Trần Quang Tiến (trái) và Đào Quốc Việt

Tính đến ngày 31/12/2018, Vetranco không thanh toán được cho VEAM tổng số 216 tỷ đồng liên quan đến 4 khoản là tiền do VEAM bảo lãnh và cho vay trái quy định đối với Vetranco.

Kết quả điều tra cho thấy, ông Đào Quốc Việt (SN 1951), cựu Giám đốc Vetranco đã trực tiếp thỏa thuận với ông Trần Quang Tiến (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP tập đoàn Đại Nam) về việc cho ông Tiến vay tiền.

Và để che dấu việc cho vay tiền trái quy định, hai bên thỏa thuận hợp thức bằng cách ký hợp đồng mua bán hàng hóa khống.

Ông Việt chỉ đạo các bộ phận chức năng lập 15 phương án kinh doanh để bị can phê duyệt.

Sau đó, cựu Giám đốc Vetranco trực tiếp ký 8 hợp đồng mua hàng của VEAM (2 hợp đồng có tổng giá trị hơn 57 tỷ đồng) và Công ty Bách Việt (6 hợp đồng tổng giá trị hơn 71 tỷ đồng) để bán cho các Công ty của ông Trần Quang Tiến (Công ty CP Thương mại và Đầu tư Tương Lai, Công ty CP Đầu tư Minh Quang và Công ty CP Thép Minh Quang) với tổng giá trị hơn 131 tỷ đồng, còn dư nợ hơn 93 tỷ đồng.

Ông Việt làm việc này để Vetranco được hưởng lãi theo lãi suất cho vay của ngân hàng, cộng với chênh lệch từ 0,8%- 1,25% giá trị tiền vay.

Theo CQĐT, hành vi ký hợp đồng mua bán hàng hóa khống giữa các công ty của ông Tiến để hợp thức việc Vetranco cho bị can Tiến vay tiền từ nguồn tiền Vetranco vay của VEAM gây thiệt hại cho Vetranco 182 tỷ đồng.

Kết luận điều tra cho rằng, ông Đào Quốc Việt phải chịu trách nhiệm chính trong việc gây hậu quả, thiệt hại cho Vetranco số tiền hơn 182 tỷ đồng.

Hành vi của ông Việt phạm vào tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Theo kết luận điều tra bổ sung, liên quan đến hành vi ký hợp đồng mua bán hàng hóa để ông Tiến vay tiền, bị can Việt đã nhận ngoài hợp đồng 5,7 tỷ đồng.

CQĐT giữ nguyên tội danh đề nghị truy tố bị can Việt về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí với động cơ vụ lợi.

Nguồn: https://vietnamnet.vn