Khái niệm đấu giá, tài sản đấu giá và tổ chức đấu giá

Tác giả: Lê Tuấn Hải Đăng ngày: 08/10/2020 Lượt xem: 1922 Danh mục: Đấu giá tài sản

     I. Cơ sở pháp lý

  • Luật Đấu giá tài sản năm 2016;

     II. Nội dung

  1. Đấu giá tài sản là gì?

Theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Luật Đấu giá tài sản năm 2016 thì:

“Điều 5. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

  1. Đấu giá tài sản là hình thức bán tài sản có từ hai người trở lên tham gia đấu giá theo nguyên tắc, trình tự và thủ tục được quy định tại Luật này, trừ trường hợp quy định tại Điều 49 của Luật này…”

Như vậy, đấu giá tài sản là hình thức bán tài sản có từ 2 người trở lên tham gia đấu giá. Phương thức, trình tự, thủ tục đấu giá tài sản thực hiện theo quy định của Luật đấu giá tài sản năm 2016.

  1. Các loại tài sản bắt buộc phải bán thông qua đấu giá

Theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật Đấu giá tài sản năm 2016 thì:

“Điều 4. Tài sản đấu giá

  1. Tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá, bao gồm:

     a) Tài sản nhà nước theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước;

     b) Tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân theo quy định của pháp luật;

     c) Tài sản là quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai;

     d) Tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm;

     đ) Tài sản thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự;

     e) Tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ nhà nước, tài sản kê biên để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính;

     g) Tài sản là hàng dự trữ quốc gia theo quy định của pháp luật về dự trữ quốc gia;

     h) Tài sản cố định của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp;

     i) Tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản;

     k) Tài sản hạ tầng đường bộ và quyền thu phí sử dụng tài sản hạ tầng đường bộ theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng và khai thác kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

     l) Tài sản là quyền khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật về khoáng sản;

     m) Tài sản là quyền sử dụng, quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng;

     n) Tài sản là quyền sử dụng tần số vô tuyến điện theo quy định của pháp luật về tần số vô tuyến điện;

     o) Tài sản là nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật;

     p) Tài sản khác mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá…”

 

 

Luật đấu giá tài sản và các quy định pháp luật liên quan, có quy định cụ thể các loại tài sản bắt buộc phải bán thông qua đấu giá. Có thể tóm lược lại thành 4 nhóm tài sản chủ yếu: tài sản công; tài sản thi hành án; tài sản bảo đảm; và tài sản của doanh nghiệp phá sản.

Tuy nhiên, tài sản thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân vẫn có thể được bán thông qua đấu giá khi chủ sở hữu đó tự nguyện bán thông qua trình tự, thủ tục đấu giá theo quy định của Luật đấu giá tài sản.

“Điều 4. Tài sản đấu giá

  1. Tài sản thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức tự nguyện lựa chọn bán thông qua đấu giá theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật này.”
  2. Các tổ chức đấu giá tài sản

Theo Luật đấu giá tài sản quy định, các tổ chức đấu giá tài sản gồm có: Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản; doanh nghiệp đấu giá tài sản. Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản do Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập, là đơn vị sự nghiệp công lập, trực thuộc Sở Tư pháp.

Còn doanh nghiệp đấu giá tài sản có 2 hình thức là: doanh nghiệp đấu giá tư nhân và công ty hợp doanh. Giám đốc của doanh nghiệp đấu giá tư nhân bắt buộc phải là đấu giá viên; còn công ty đấu giá hợp doanh thì phải có ít nhất 1 thành viên là đấu giá viên.

Theo quy định tại Điều 23 Luật Đấu giá tài sản năm 2016:

“Điều 23. Doanh nghiệp đấu giá tài sản

  1. Doanh nghiệp đấu giá tài sản được thành lập, tổ chức và hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
  2. Tên của doanh nghiệp đấu giá tư nhân do chủ doanh nghiệp lựa chọn, tên của công ty đấu giá hợp danh do các thành viên thỏa thuận lựa chọn và theo quy định của Luật doanh nghiệp nhưng phải bao gồm cụm từ “doanh nghiệp đấu giá tư nhân” hoặc “công ty đấu giá hợp danh”.
  3. Điều kiện đăng ký hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản:

     a) Doanh nghiệp đấu giá tư nhân có chủ doanh nghiệp là đấu giá viên, đồng thời là Giám đốc doanh nghiệp; Công ty đấu giá hợp danh có ít nhất một thành viên hợp danh là đấu giá viên, Tổng giám đốc hoặc Giám đốc của công ty đấu giá hợp danh là đấu giá viên;

     b) Có trụ sở, cơ sở vật chất, các trang thiết bị cần thiết bảo đảm cho hoạt động đấu giá tài sản.

     4. Những nội dung liên quan đến thành lập, tổ chức, hoạt động và chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản không quy định tại Luật này thì thực hiện theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.”