Tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả

Tác giả: Truong NQ Đăng ngày: 04/02/2021 Lượt xem: 895 Danh mục: Luật sư sở hữu trí tuệ

Câu hỏi :

Anh L.P.L ở thành phố Hồ Chí Minh có gửi câu hỏi đến Công ty luật như sau:

Tôi làm việc tại Công ty P do bà N.H.A làm chủ sở hữu. Theo phân công công việc thì tôi có nhiệm vụ vẽ nhân vật T trong bộ truyện tranh T.Đ. Nhân vật T do bà N.H.A lên ý tưởng và tôi là người thể hiện ra giấy.

Năm 2019, tôi nghỉ việc tại Công ty P nhưng bà N.H.A vẫn đại diện Công ty P ký hợp đồng cho phép Công ty K chuyển thể nhân vật T thành phim.

Tôi xin hỏi, việc làm của Công ty P về việc chuyển thể nhân vật T thành phim có đúng không?

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Goldsun Law câu hỏi của bạn được chuyên gia nghiên cứu và tư vấn như sau:

     I. Cơ sở pháp lý

  • Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009 và năm 2019;
  • Nghị định 22/2018/NĐ-CP về hướng dẫn Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan do Chính phủ ban hành ngày 23 tháng 2 năm 2018;

     II. Nội dung

  1. Đối tượng quyền sở hữu trí tuệ trong vụ việc

Theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009 và năm 2019 thì:

“Điều 14. Các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả

  1. Tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học được bảo hộ bao gồm:

  1. g) Tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng;…”

Đối tượng quyền sở hữu trí tuệ được đề cập là quyền sở hữu trí tuệ đối với hình thức thể hiện của nhân vật T, theo điểm g khoản 1 Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009 và năm 2019 thì đây là quyền sở hữu trí tuệ đối với tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng.

  1. Khái niệm tác giả

Theo quy định tại khoản 1 Điều 6  Nghị định 22/2018/NĐ-Chính phủ thì:

“Điều 6. Tác giả, đồng tác giả

  1. Tác giả là người trực tiếp sáng tạo ra một phần hoặc toàn bộ tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học…”

Như vậy, tác giả là người trực tiếp sáng tạo ra một phần hoặc toàn bộ tác phẩm văn học, nghê thuật và khoa học, gồm: tổ chức, cá nhân Việt Nam có tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả; tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm được công bố lần đầu tiên tại Việt Nam mà chưa được công bố ở bất kỳ nước nào hoặc được công bố đồng thời tại Việt Nam trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày tác phẩm đó được công bố lần đầu tiên ở nước khác; tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm được bảo hộ tại Việt Nam theo điều ước quốc tế về quyền tác giả mà Việt Nam là thành viên.

  • Phải là người trực tiếp thực hiện các hoạt động sáng tạo để tạo ra tác phẩm

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 6 Nghị định 22/2018/NĐ-Chính phủ thì:

“Điều 6. Tác giả, đồng tác giả

  1. Người hỗ trợ, góp ý kiến hoặc cung cấp tư liệu cho người khác sáng tạo ra tác phẩm không được công nhận là tác giả hoặc đồng tác giả.”

Hoạt động sáng tạo của tác giả là sự lao động trí tuệ để tạo ra các tác phẩm một cách sáng tạo. Các tác phẩm phải là kết quả của hoạt động sáng tạo được thể hiện trên hình thái vật chất hoặc thông qua hình thức nhất định, có tính độc lập tương đối, mang tính mới về nội dung, ý tưởng hoặc mang tính mới về sự thể hiện tác phẩm. Tất cả các hoạt động chỉ nhằm để hỗ trợ như cung cấp kinh phí, vật chất, phương tiện, tư liệu, góp ý kiến không được coi là hoạt động sáng tạo. Do đó, tổ chức, cá nhân có những hoạt động này không được công nhận là tác giả.

Như vậy, theo nội dung anh đã trao đổi thì anh là tác giả của sản phẩm sở hữu trí tuệ còn bà N.H.A không được công nhận là đồng tác giả của sản phẩm này.

 

 

  1. Chủ sở hữu quyền tác giả

Theo quy định tại khoản 1 Điều 39 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009 và năm 2019 thì:

“Điều 39. Chủ sở hữu quyền tác giả là tổ chức, cá nhân giao nhiệm vụ cho tác giả hoặc giao kết hợp đồng với tác giả

  1. Tổ chức giao nhiệm vụ sáng tạo tác phẩm cho tác giả là người thuộc tổ chức mình là chủ sở hữu các quyền quy định tại Điều 20 và khoản 3 Điều 19 của Luật này, trừ trường hợp có thỏa thuận khác…”

Như vậy, Công ty P đã giao nhiệm vụ sáng tạo tác phẩm cho anh nên là chủ sở hữu các quyền sau:

“Điều 19. Quyền nhân thân

Quyền nhân thân bao gồm các quyền sau đây:

  1. Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm;…”

“Điều 20. Quyền tài sản 

  1. Quyền tài sản bao gồm các quyền sau đây:

     a) Làm tác phẩm phái sinh;

     b) Biểu diễn tác phẩm trước công chúng;

     c) Sao chép tác phẩm;

     d) Phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm;

     đ) Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác;

     e) Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính.…”

Theo định nghĩa tại khoản 8 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009 và năm 2019 thì:

“Điều 4. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

  1. Tác phẩm phái sinh là tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn…”

– Tác phẩm chuyển thể

Là việc chuyển thể nội dung của tác phẩm gốc sang một hình thức thể hiện khác, ví dụ như chuyển thể truyện thành phim, kịch,… và không thay đổi cốt truyện hoặc nội dung cơ bản của tác phẩm gốc.

Như vậy, Công ty P là chủ sở hữu của quyền tác giả nên có quyền làm tác phẩm phái sinh là tác phẩm chuyển thể từ tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng nhân vật T do anh là tác giả.

Vậy, Công ty P có quyền làm phái sinh là tác phẩm chuyển thể từ tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng nhân vật T do anh là tác giả.

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi. Trong trường hợp cần tìm hiểu rõ hơn hoặc có thắc mắc về vấn đề liên quan phiền Quý khách hàng liên hệ để được giải đáp.

Trân trọng!

THÔNG TIN LIÊN HỆ

CÔNG TY LUẬT TNHH GOLDSUN

Văn phòng giao dịch: 137 Yên Lãng, phường Thịnh Quang, quận Đống  Đa, thành phố Hà Nội.

Điện thoại/Fax: (024) 35 668 143

Email: goldsunlaw@gmail.com

Website: https://goldsunlaw.com.vn/