Quy định danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá: Tạo công khai, minh bạch để tránh việc lạm dụng

Tác giả: GoldsunLaw Đăng ngày: 03/11/2022 Lượt xem: 164 Danh mục: Tin tức pháp luật
Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đề nghị, dự thảo Luật Giá (sửa đổi) cần quy định cụ thể danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá nhằm tạo sự công khai, minh bạch; đặc biệt là tránh việc lạm dụng, hạn chế sự can thiệp từ cơ quan quản lý Nhà nước ảnh hưởng đến quy luật cung – cầu…

Đưa sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Giá (sửa đổi) tại phiên họp Quốc hội (QH) chiều 2/11, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, việc xây dựng dự án Luật nhằm thể chế hóa đầy đủ, đúng chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế thị trường, có sự điều tiết của Nhà nước; khắc phục những vướng mắc về thể chế, những “lỗ hổng” chính sách; những bất hợp lý của hệ thống pháp luật đang cản trở quá trình phát triển; tạo sự minh bạch trong quản lý Nhà nước về giá, công khai thông tin doanh nghiệp; xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có thẩm quyền…

Quy định danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá: Tạo công khai, minh bạch để tránh việc lạm dụng ảnh 1

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày tờ trình tại phiên họp.

Thông tin về một số nội dung của dự thảo Luật, Bộ trưởng Tài chính cho biết, về danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, qua rà soát đối với 52 nhóm hàng hóa, dịch vụ, dự thảo Luật đã đưa ra khỏi danh mục 14 nhóm và bổ sung hai mặt hàng gồm sách giáo khoa (mặt hàng có thị trường cạnh tranh hạn chế, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân) và hàng hóa, dịch vụ phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh thực hiện đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các đơn vị, doanh nghiệp quốc phòng, an ninh. Riêng đối với dịch vụ sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư, trên cơ sở chủ trương của QH, Chính phủ sẽ khẩn trương nghiên cứu, đánh giá kĩ để có Đề án riêng trình QH ban hành Nghị quyết thực hiện.

Liên quan đến quy định về bình ổn giá, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thông tin, dự thảo Luật chỉ quy định nguyên tắc xác định danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá và giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm tính linh hoạt trong thực hiện. Đồng thời, dự thảo Luật đã cụ thể hóa dấu hiệu để nhận diện các trường hợp áp dụng bình ổn giá; quy định cơ chế để xử lý tình huống hàng hóa, dịch vụ cần bình ổn nhưng chưa có trong danh mục để áp dụng trong các trường hợp công bố tình trạng khẩn cấp, công bố dịch, thiệt hại do thiên tai…

Chính phủ cũng cho biết, dù dự thảo Luật Giá sửa đổi không điều chỉnh trực tiếp đối với Quỹ Bình ổn giá xăng dầu nhưng những quy định về lập quỹ bình ổn giá tại Luật cũng sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến tính pháp lý của Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Thời gian vừa qua, diễn biến giá mặt hàng này phức tạp, khó dự báo nên công cụ Quỹ bình ổn giá vẫn cần thiết. Vì vậy, Chính phủ thống nhất đề xuất trước mắt chưa bỏ công cụ Quỹ bình ổn giá xăng dầu, đồng thời củng cố các cơ chế trong triển khai, tổ chức thực hiện nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch trong việc sử dụng Quỹ.

Tránh lạm dụng để mở rộng phạm vi mặt hàng bình ổn giá

Trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của QH Nguyễn Phú Cường cho biết, về thẩm quyền quyết định danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá, đa số ý kiến trong Ủy ban đề nghị giữ như quy định của Luật hiện hành. Theo đó, quy định cụ thể trong Luật danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá; trong trường hợp cần điều chỉnh danh mục, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ QH quyết định.

Quy định danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá: Tạo công khai, minh bạch để tránh việc lạm dụng ảnh 2

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày báo cáo thẩm tra.

“Giá là vấn đề ảnh hưởng, tác động trực tiếp đến từng người dân, doanh nghiệp, liên quan đến ổn định thị trường, do đó cần được quy định cụ thể trong Luật nhằm tạo sự công khai, minh bạch, đặc biệt nhằm tránh việc lạm dụng để mở rộng phạm vi các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, hạn chế sự can thiệp từ cơ quan quản lý Nhà nước ảnh hưởng đến quy luật cung – cầu; bảo đảm tính pháp lý chắc chắn, ổn định, giúp doanh nghiệp, người dân có chiến lược kinh doanh phù hợp. Việc quy định rõ danh mục các mặt hàng bình ổn giá trong Luật cũng khắc phục tình trạng “luật khung, luật ống” – ông Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh.

Liên quan đến tiêu chí xác định hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá, cơ quan thẩm tra cho rằng, quy định như dự thảo Luật là chưa cụ thể, còn nặng về định tính, khó áp dụng trên thực tế; chưa làm rõ cơ quan nào có trách nhiệm đánh giá tác động. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo tính toán, lượng hóa tối đa để xác định thế nào là “ảnh hưởng toàn diện đến mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội trong từng thời kỳ” nhằm bảo đảm tính khả thi, chặt chẽ, tạo cơ sở pháp lý cho tổ chức thực hiện.

Tương tự, Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, quy định về các trường hợp quyết định bình ổn giá trong dự thảo Luật còn chung chung, chưa định lượng cụ thể. Do vậy, đề nghị quy định cụ thể, lượng hóa tại dự thảo Luật hoặc các văn bản hướng dẫn thi hành để tạo căn cứ cho bình ổn giá, cho kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật. Đồng thời, hoàn thiện các quy định về danh mục, tiêu chí xác định danh mục, biện pháp, trách nhiệm trong bình ổn giá.

Về triển khai thực hiện bình ổn giá, đa số ý kiến trong cơ quan thẩm tra cho rằng, việc các địa phương chủ động thực hiện bình ổn giá sẽ góp phần giữ giá cả ổn định. Tuy nhiên, Chính phủ cần kiểm soát để bảo đảm tính thống nhất về định hướng chính sách, không tạo sự bất bình đẳng đối với người tiêu dùng giữa các địa phương; không để lợi dụng sự khác biệt về giá cả giữa các địa phương để thu lợi bất chính.

Theo Báo pháp luật